Thúy Hà
Câu chuyện thương hiệu luôn là một đề tài thú vị, thu hút sự quan tâm của cán bộ công nhân viên - người lao động (CBCNV-NLĐ) tại chính doanh nghiệp đó và đông đảo công chúng, khách hàng.
Nhân 60 năm ngày thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn), ông Bùi Ngọc Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Petrolimex đã dành cho Tạp chí Công Thương (TCCT) buổi trả phỏng vấn về Câu chuyện thương hiệu Petrolimex. TCCT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn đầy hấp dẫn này.
Bước ra thị trường thế giới
PV: Thưa ông, trước hết, TCCT xin được chúc mừng Petrolimex nhân 60 năm ngày thành lập và trân trọng cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn TCCT về câu chuyện thương hiệu Petrolimex. Hiện nay, cứ nhìn thấy chữ “P” là ai cũng biết ngay đó là Petrolimex. Câu hỏi đầu tiên, xin ông vui lòng cho biết, biểu trưng này (chữ “P”) có từ bao giờ và ý nghĩa của nó ra sao?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Biểu trưng chữ “P” của Petrolimex - hay còn gọi là nhãn hiệu Petrolimex hoặc logo Petrolimex đã có từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Biểu trưng chữ “P” của Petrolimex được công bố lần đầu tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập, tức là ngày 12/01/1991.
Đây là bối cảnh chuyển đổi về chất của doanh nghiệp hội tụ đủ các yếu tố để ra đời một nhãn hiệu:
Thứ nhất, từ hoạt động thuần túy cung ứng theo pháp lệnh nhà nước, bắt đầu phôi thai chuyển sang hạch toán kinh doanh.
Trước năm 90 của thế kỷ XX, chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Petrolimex là tiếp nhận, tồn trữ và cấp phát xăng dầu theo chỉ tiêu pháp lệnh để phục vụ an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội và đưa ra tiền tuyến.
Cuối năm 1988, Nhà nước bắt đầu cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu (PV: Tên của Tập đoàn lúc bấy giờ là như vậy); trong đó, có yếu tố hết sức quan trọng là chuyển giao nhiệm vụ cùng với một số cán bộ nghiệp vụ của bộ phận xuất nhập khẩu xăng dầu từ Tổng công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản (Minexport) sang Tổng công ty Xăng dầu. Từ đó, Tổng công ty Xăng dầu mới bắt đầu có chức năng xuất nhập khẩu xăng dầu bên cạnh chức năng đã có là cung ứng xăng dầu.
Do trực tiếp thực hiện các hoạt động giao dịch đối ngoại ký kết các hợp đồng ngoại thương với Liên Xô (trước đây) trong khuôn khổ Hiệp định liên Chính phủ và Nghị định thư hàng năm giữa các Bộ của 2 nước, thanh toán bằng đồng Rúp chuyển nhượng; tiếp đó, khi Hiệp định và Nghị định thư không còn thì giao dịch nhập mua từ các nước khác trong khu vực - lúc bấy giờ chúng ta gọi là “thị trường khu vực 2”; nghĩa là: mua xăng dầu của các nước tư bản, giao dịch theo phong tục tập quán quốc tế, thanh toán bằng đô la Mỹ.
Đó là một sự thay đổi rất quan trọng trong câu chuyện bảo đảm xăng dầu cho đất nước.
Giao dịch đối ngoại với thị trường khu vực 2 thì phải theo chuẩn mực hoàn toàn mới so với giao dịch truyền thống trong phe xã hội chủ nghĩa; ví như: Cần có nhận diện về thương hiệu tên tuổi. Tên giao dịch quốc tế là Petrolimex bắt đầu xuất hiện từ đó.
Cuối những năm 80 - đầu những năm 90 là giai đoạn nước ta có muôn vàn khó khăn; trong đó, tạo nguồn xăng dầu cho các nhu cầu thiết yếu được lãnh đạo Đảng và Chính phủ quan tâm hàng ngày. Bối cảnh đó đã manh nha một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia kinh doanh xăng dầu; trong đó, có Sài Gòn Petro, Petechim và một số đơn vị khác.
Xăng dầu lúc này không còn thuần túy là cung ứng nữa mà là chuyển sang kinh doanh với sự tham gia của vài doanh nghiệp; vậy nên, có thể nói: Từ thời điểm này Petrolimex không còn là Tổng công ty độc quyền nhà nước với thị phần 100% như giai đoạn trước đó. Xăng dầu bắt đầu phôi thai về thị trường và cạnh tranh.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng công ty Xăng dầu, lãnh đạo Petrolimex đã tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu.
Chữ “P” là chữ cái đầu tiên của tên giao dịch của Petrolimex được sử dụng để hình thành lên biểu trưng theo phương pháp mỹ thuật công nghiệp với các yêu cầu đặt ra là: đơn giản, ý nghĩa, đẹp và dễ nhớ.
Chữ “P” được một hội đồng về mỹ thuật chấm điểm, công nhận đây là thiết kế thương hiệu đạt giải nhất và cũng từ đây lãnh đạo Petrolimex chính thức lấy chữ “P” để làm nhãn hiệu Petrolimex đăng ký bản quyền, được pháp luật bảo hộ.
Năm 2010, chúng tôi có một số cải tiến nhất định theo hướng làm mới chữ “P”, diễn đạt được tinh túy những giá trị quý báu của thương hiệu Petrolimex đã hình thành từ khi thành lập cho tới nay và với tinh thần để tiến xa hơn trong giai đoạn mới của hội nhập và cạnh tranh.
Như vậy, nói riêng về nhãn hiệu chữ “P” thì nó được hình thành và đưa vào các hoạt động của Petrolimex đến nay được hơn 24 năm, tính từ ngày 15/11/1991 - tức là ngày Cục Sáng chế cấp văn bằng bảo hộ số3684 cho phiên bản đầu tiên.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Petrolimex
Vững vàng và năng động
PV: Thưa ông tại sao chữ P đặt trên nền xanh mà lại vát 2 góc, hẳn sự vuông góc và vát góc này nó hàm chứa thông tin, thông điệp nào đó gửi đến công chúng?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Cái gửi gắm của nhà thiết kế trong mỗi đường nét, họa tiết đặc trưng, màu sắc và tổng thể của nhãn hiệu này đều mang ý nghĩa và thông điệp của nó.
Trước hết, về màu sắc: Sử dụng 2 màu phản ảnh bản chất chủ yếu của Petrolimex hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (xăng dầu); do đó lấy màu cam cho hình giọt dầu trong lòng chữ “P” trên nền xanh dương của sự bền vững và môi trường.
Tiếp đó, về kết cấu: Hình vuông với 2 góc vuông và 2 góc vát để tạo tính mỹ thuật hài hòa và thể hiện sự vững vàng (vuông thành sắc cạnh), năng động (lượn vát góc) - là những thuộc tính quan trọng của Petrolimex.
Điều đặc biệt của chữ “P” là ở thủ pháp thiết kế nhân cách hóa, thể hiện được đặc trưng cơ bản, giá trị cốt lõi và định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Vì thế, chữ “P” có tính lan tỏa cao, có cái gì đó gieo vào lòng người tiêu dùng, đối tác của Petrolimex một sự tin tưởng, trân trọng và yêu quý.