Thực hiện kế hoạch đào tạo năm 2024 và lộ trình triển khai chương trình hành động hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 (net zero), đáp ứng các quy định quốc gia và quốc tế về phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực vận tải thủy và chung tay bảo vệ môi trường, ngày 28/10/2024 tại Sảnh hội nghị khách sạn The Shine, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex (PGT) đã tổ chức khóa đào tạo dành cho các đơn vị khu vực phía Bắc về "Thực hành xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính".
Lớp học quy tụ lãnh đạo Tổng công ty và lãnh đạo các Công ty thành viên, cùng cán bộ kỹ thuật, chuyên gia môi trường từ các Công ty thành viên của PGT, bao gồm PJTACO, VIPCO, PTS Hải Phòng và Cảng Cửa Cấm. Tham gia lớp học là các chuyên viên có trách nhiệm xây dựng và đánh giá báo cáo kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp mình, nhằm đáp ứng mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong hoạt động vận tải.
Ông Phạm Việt Khoa – Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex đã có bài phát biểu khai mạc khóa đào tạo, nâng cao tinh thần học tập, nghiên cứu và định hướng phương hướng phát triển của PGT trong lĩnh vực môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tổng Giám đốc nhấn mạnh: “Các học viên là nòng cốt trong việc thực hành phương pháp kiểm kê và nắm bắt thực trạng của đơn vị về từng lĩnh vực hoạt động, từ đó có đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong việc "nội khử - ngoại bù", tránh xu thế "giả xanh, giặt xanh". Sau 2 khóa đào tạo, yêu cầu các đơn vị toàn Tổng Công ty, từ những tập thể nhỏ, từ các cá nhân sẽ có những hành động quyết liệt, cụ thể, khả thi để toàn Tổng công ty hướng tới chủ trương trung hòa carbon của Tập đoàn vào năm 2026 và định hướng Net-zero những năm tiếp theo”.
Mục tiêu của khóa đào tạo
Khóa đào tạo thực hành lần này nhằm trang bị cho các cán bộ kỹ thuật và nhân viên PGT những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về việc đo lường, giám sát và báo cáo khí thải phát sinh từ các hoạt động vận tải thủy. Đặc biệt, khóa đào tạo tập trung vào các phương pháp kiểm kê và phân loại khí nhà kính, các bước chuẩn bị dữ liệu, xây dựng báo cáo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và cách thức lưu trữ, quản lý thông tin một cách hiệu quả. Ngoài ra, khóa đào tạo còn chia sẻ các công nghệ tiên tiến để hỗ trợ việc đo lường và báo cáo nhằm tối ưu hóa công tác giám sát khí thải.
Nội dung khóa đào tạo
Nội dung đào tạo được chia thành ba phần chính:
- Phần lý thuyết: Giới thiệu các khái niệm cơ bản về kiểm kê khí nhà kính, các tiêu chuẩn báo cáo theo quy định của quốc gia và quốc tế, và phương pháp tính toán lượng khí thải từ các loại tàu thuyền của PGT.
- Phần thực hành: Các học viên đã được hướng dẫn và thực hành từng bước trong quy trình kiểm kê khí thải. Thông qua các mô phỏng và bài tập thực hành, học viên đã có thể lập báo cáo kiểm kê khí thải của từng đơn vị mình theo các kịch bản khác nhau.
- Phần thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm: Học viên được thảo luận về những khó khăn gặp phải trong quá trình lập báo cáo kiểm kê, từ việc thu thập số liệu cho đến quy trình xử lý dữ liệu và báo cáo. Phần thảo luận đã giúp các đơn vị học hỏi kinh nghiệm và đề ra những giải pháp tối ưu hơn cho công tác giám sát khí thải.
Khóa đào tạo thực hành về kiểm kê khí nhà kính không chỉ đem lại kiến thức mới cho cán bộ PGT mà còn là động lực để các đơn vị thành viên cùng nhau thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực hơn. Đây cũng là bước tiến trong quá trình hội nhập và phát triển của PGT trên thị trường vận tải thủy quốc tế, hướng đến việc giảm thiểu dấu vết carbon trong toàn bộ hoạt động của Tổng công ty.
Trước đó, Tổng công ty đã tổ chức thành công khóa đào tạo “Thực hành xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính” khu vực phía Nam tại trụ sở của Công ty CP Vận tải Xăng dầu Vitaco (Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 21/10/2024 đến ngày 24/10/2024.
Tổng công ty sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, lớp học và hội thảo để nâng cao nhận thức và năng lực kiểm kê khí nhà kính cho các cán bộ và đơn vị thành viên. Đây là hành trình dài hơi nhưng cần thiết để PGT hướng đến trở thành doanh nghiệp vận tải thủy xanh, phát triển bền vững. Qua đó, Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex đã thể hiện quyết tâm cao trong việc giảm thiểu khí thải và đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ giúp PGT tăng cường uy tín với các đối tác trong và ngoài nước mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của Tổng công ty.
*Hình ảnh cập nhật tại buổi thực hành của khóa đào tạo:
*Hình ảnh bế mạc khóa đào tạo:
PGTANKER - HẢI TRÌNH XANH - TƯƠNG LAI XANH
Hành động bảo vệ hành tinh xanh trong hoạt động kinh doanh vận tải xăng dầu là mục tiêu và định hướng quan trọng mà PGTANKER đang hướng tới trong giai đoạn phát triển 2025-2030, tầm nhìn 2040, nhằm tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), chủ động trong công tác kiểm kê lượng tiêu thụ nhiên liệu theo quy định của Đăng kiểm Việt Nam (VR) và kiểm kê khí nhà kính theo quy định.
Tại khóa họp thứ 62 (tháng 07 năm 2011), Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua quy định về giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính từ hoạt động của tàu biển. Quy định về Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Design Index - EEDI) bắt buộc áp dụng cho các tàu đóng mới có sống chính được đặt từ ngày 01 tháng 07 năm 2013. Bên cạnh quy định về EEDI, các công ty quản lý tàu phải xây dựng Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng (Ship Energy Efficiency Management Plan - SEEMP) cho mỗi tàu quản lý, SEEMP được áp dụng cho cả các tàu hiện có với tổng dung tích trên 400GT hoạt động tuyến quốc tế và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu của IMO năm 2023 đặt ra mục tiêu: Giảm ít nhất 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ vận tải biển quốc tế, giảm ít nhất 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ vận tải biển quốc tế, phấn đấu đạt 80% vào năm 2040 so với năm 2008. Chiến lược còn đặt ra những tham vọng của IMO trong việc giảm phát thải khí nhà kính từ tàu. Trong đó, có giảm cường độ carbon của tàu thông qua việc cải thiện hơn nữa hiệu quả năng lượng cho các tàu mới; Cường độ carbon của mỗi chuyến vận tải biển quốc tế giảm ít nhất 40% vào năm 2030, so với năm 2008; Đạt mức phát thải ròng kính nhà kính bằng 0 vào hoặc gần năm 2050, tùy vào mỗi quốc gia khác nhau. Đồng thời, tăng cường sử dụng các công nghệ, nhiên liệu và/hoặc nguồn năng lượng phát thải khí nhà kính bằng không hoặc gần bằng không, thay thế ít nhất 5%, phấn đấu đạt 10% năng lượng được sử dụng cho vận tải biển quốc tế vào năm 2030. Chiến lược của IMO là bắt buộc đối với tất cả các tàu của các quốc gia thành viên công ước MARPOL, trong đó có Việt Nam.