Trương Thị Thu Thủy
Với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý môi trường và thực hiện các cam kết về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, Tổng công ty Vận tải Thủy Petrolimex đã tổ chức khóa đào tạo “Thực hành xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính” khu vực phía Nam tại trụ sở của Công ty CP Vận tải Xăng dầu Vitaco (Địa chỉ 236/106/1A đường Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 21/10/2024 đến ngày 24/10/2024.
Khóa đào tạo nhằm cung cấp kiến thức và hướng dẫn thực hành cho các học viên về quy trình kiểm kê khí nhà kính, từ việc thu thập số liệu đến lập báo cáo. Đây là một phần trong chiến lược của Tổng công ty nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ nhân viên về quản lý môi trường, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế về khí nhà kính, nhằm đảm bảo việc triển khai hiệu quả các chính sách về môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tham gia khóa học là các cán bộ, nhân viên thuộc các phòng ban liên quan của Tổng công ty cùng Lãnh đạo và cán bộ chuyên trách của các đơn vị thành viên Tổng công ty.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Phạm Việt Khoa - Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết: “Việc tổ chức khóa đào tạo lần này không chỉ giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên mà còn thể hiện sự cam kết của Tổng công ty Vận tải Thủy Petrolimex trong việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường. Đây là bước đi cần thiết để hướng tới một tương lai phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường và thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính theo định hướng trung hòa carbon của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.”
Nội dung khóa đào tạo
Chương trình đào tạo kéo dài 4 ngày với nội dung bao gồm:
Ngày 21/10/2024: Khai mạc khóa học và giới thiệu tổng quan về các phương pháp kiểm kê khí nhà kính.
Ngày 22/10/2024: Thực hành thu thập số liệu tại các đơn vị thực tế, bao gồm công ty vận tải và xưởng sửa chữa.
Ngày 23/10/2024: Hướng dẫn lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính và phương pháp tính toán phát thải.
Ngày 24/10/2024: Trình bày báo cáo kết quả và thảo luận về các bài thu hoạch của học viên.
- Hình ảnh cập nhật buổi thực hành của Khóa đào tạo:
PGTANKER - HẢI TRÌNH XANH - TƯƠNG LAI XANH
Hành động bảo vệ hành tinh xanh trong hoạt động kinh doanh vận tải xăng dầu là mục tiêu và định hướng quan trọng mà PGTANKER đang hướng tới trong giai đoạn phát triển 2025-2030, tầm nhìn 2040, nhằm tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), chủ động trong công tác kiểm kê lượng tiêu thụ nhiên liệu theo quy định của Đăng kiểm Việt Nam (VR) và kiểm kê khí nhà kính theo quy định.
Tại khóa họp thứ 62 (tháng 07 năm 2011), Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua quy định về giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính từ hoạt động của tàu biển. Quy định về Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Design Index - EEDI) bắt buộc áp dụng cho các tàu đóng mới có sống chính được đặt từ ngày 01 tháng 07 năm 2013. Bên cạnh quy định về EEDI, các công ty quản lý tàu phải xây dựng Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng (Ship Energy Efficiency Management Plan - SEEMP) cho mỗi tàu quản lý, SEEMP được áp dụng cho cả các tàu hiện có với tổng dung tích trên 400GT hoạt động tuyến quốc tế và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu của IMO năm 2023 đặt ra mục tiêu: Giảm ít nhất 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ vận tải biển quốc tế, giảm ít nhất 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ vận tải biển quốc tế, phấn đấu đạt 80% vào năm 2040 so với năm 2008. Chiến lược còn đặt ra những tham vọng của IMO trong việc giảm phát thải khí nhà kính từ tàu. Trong đó, có giảm cường độ carbon của tàu thông qua việc cải thiện hơn nữa hiệu quả năng lượng cho các tàu mới; Cường độ carbon của mỗi chuyến vận tải biển quốc tế giảm ít nhất 40% vào năm 2030, so với năm 2008; Đạt mức phát thải ròng kính nhà kính bằng 0 vào hoặc gần năm 2050, tùy vào mỗi quốc gia khác nhau. Đồng thời, tăng cường sử dụng các công nghệ, nhiên liệu và/hoặc nguồn năng lượng phát thải khí nhà kính bằng không hoặc gần bằng không, thay thế ít nhất 5%, phấn đấu đạt 10% năng lượng được sử dụng cho vận tải biển quốc tế vào năm 2030. Chiến lược của IMO là bắt buộc đối với tất cả các tàu của các quốc gia thành viên công ước MARPOL, trong đó có Việt Nam.